
Học giả, nhà văn Nguyễn Văn Ngọc
NGUYỄN VĂN NGỌC Nguyễn Văn Ngọc (hiệu: Ôn Như; 1890 - 1942), nhà văn, nhà giáo, nhà sưu tầm nghiên cứu văn học Việt Nam. Quê: làng Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thanh tra các trường sơ học, phụ trách Cục tu thư Nha học chính. Nguyễn Văn Ngọc sưu tầm, biên soạn các sách văn học bằng tiếng Việt và tiếng Pháp phục vụ giáo dục: “Phổ thông độc bản”(1922), “Cổ học tinh hoa” (1926), “Đông Tây ngụ ngôn” (1927), “Nam thi hợp tuyển” (1927), “Tục ngữ phong dao” (1928), “Nhi đồng lạc viên” (văn học nhi đồng, 1928), “Để mua vui” (1929), “Câu đối” (1931), “Đào nương ca” (1932), “Truyện cổ nước Nam” (4 tập - 1934), “Ngụ ngôn” (1935) và nhiều bài báo có giá trị đăng ở báo “Hữu Thanh” và tạp chí “Nam Phong”. Công lao quan trọng nhất của Nguyễn Văn Ngọc là đã khai thác, sưu tầm và phổ biến văn học dân gian và văn học Việt, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.
Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942)
Theo: Việt Nam các nhân vật lịch sử - văn hoá
Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh
Nhà XB Văn hoá – Thông tin năm 2008
Ông hiệu là Ôn Như, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1890, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Thông ngôn năm 17 tuổi, dạy học ở nhiều trường (Trường tiểu học Hà Nội, Trường Bưởi, Trường Sĩ hoạn (hậu bổ), Trường Sư phạm). Ông còn làm thanh tra các trường sơ học, phụ trách cụ Tu thư của Nha học chính Đông Dương. Chính trong thời gian này, ông đã viết nhiều sách giao khoa và sách nghiên cứu. Ông đặc biệt chú ý khai thác vốn cổ dân tộc trong kho tang văn học dân gian. Tập Tục ngữ phong dao (1928) và Truyện cổ nước Nam 4 cuốn (2 cuốn về Con Người, 2 cuốn về Chim muông) (1932-1934), Cổ học tinh hoa (cùng biên dịch với Trần Lê Nhân) là những công trình biên dịch có giá trị. Ngoài ra, ông còn chú ý đi sâu nghiên cứu một số thể loại văn học khác như câu đối (1931) và Đào nương ca (1932). Ông sưu tầm nhiều bài thơ ngụ ngôn in thành tập nhan đề là Đông Tây ngụ ngôn. Năm 1934, ông làm Đốc học tỉnh Hà Đông. Trước đó, ông từng làm Hội trưởng Hội ái hữu các nhà giáo trong những năm 1925, 1926, 1927. Năm 1935, ông làm Phó hội trưởng Hội Phạt Giáo Hà Nội. Ông mất ngày 26-4-1942 tại ấp Thái Hà, nay thuộc quận Đống Đa (Hà Nội).
Sưu tầm : Nhữ Đình Văn